The Step Up Story

Step Up Education – 25/6/2024 

Ðây là một câu chuyện về một chiếc start up công nghệ khá kì lạ. Founder không phải là dân công nghệ, trước đó làm về xuất bản sau đó chuyển hẳn sang làm EdTech. Bằng rất nhiều mồ hôi nước mắt, chiếc start up ấy đã có lãi chưa đầy 2 năm cho dự án app học tiếng Anh và thường xuyên đứng đầu trong các app học tiếng Anh giao tiếp tại thị trường Việt Nam. Về trải nghiệm và tính năng, những gì khách hàng đánh giá khách quan thì không sai.

Không phải để truyền cảm hứng hay phông bạt, việc kể câu chuyện này ra, mình muốn những người quan tâm tới Step Up hiểu được thêm về những gì anh em đã làm, muốn làm và sẽ làm. Mong là gặp được những trái tim và khối óc có cùng chí hướng. Cùng yêu thích giải quyết vấn đề này và đồng hành dưới các vai trò khác nhau như người cùng ở trong bảng lương, đối tác, nhà đầu tư… Có rất nhiều bài toán khó cần giải, còn nhiều khó khăn ở phía trước cần sự bản lĩnh và cái tầm nhìn dài hạn. Có hiểu nhau thì mới đi được cùng với nhau.

Tại sao lại là giáo dục?

Không nói tới các khía cạnh khác, nhìn vào Israel, một đất nước nghèo tài nguyên nhưng luôn là một thế lực trong công nghệ, nông nghiệp, quốc phòng… Giáo dục là một thứ kì diệu có thể biến một cậu trẻ chăn trâu ở nông thôn lớn lên trở thành những nhân sự cấp cao của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Nếu được đầu tư khéo léo thì ROI của khoản đầu tư này luôn nằm ở đỉnh những khoản đầu tư sinh lời cao nhất cho mỗi gia đình, mỗi quốc gia và tác động của nó kéo dài tới cả trăm năm.

Không chỉ mang giá trị nhân văn, giáo dục vẫn luôn là ngành hứa hẹn về mặt kinh doanh. Thị trường giáo dục tăng trưởng như vũ bão trong thời gian gần đây và ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế hơn so với các ngành khác.

Từ một nhân sự IT lương 1000 đô nếu được nâng cấp đầy đủ kĩ năng nghề, tiếng Anh và khả năng giao tiếp được với các đồng nghiệp nước ngoài thì hoàn toàn có thể cầm được về hơn 100.000 đô mỗi năm. Với 40 năm sự nghiệp thì sự khác biệt đó lên tới vài triệu đô. Khoản đầu tư nào có ROI lớn tới như vậy ngoài giáo dục?

Hơn nữa, Việt Nam và Ðông Nam Á nói chung trong tương lai không xa sẽ trở thành một điểm nóng về phát triển nhân sự chất lượng cao. Thị trường EdTech trong khu vực dự kiến sẽ tăng trưởng gấp đôi sau 5 năm tới.

Chuyện học hành mấy chục năm qua của loài người vẫn không có cuộc cách mạng nào thực sự lớn như các ngành công nghiệp khác. Việc học vẫn cơ bản là chán và không tuỳ biến với từng cá nhân. Chúng ta sinh ra là để xử lí câu chuyện này. Step Up hi vọng rằng 20 năm sau, sẽ có một lớp trẻ người Việt tươi mới và có năng lực như những công dân toàn cầu.

Chuyện về sứ mệnh.

Trong truyện về sợi xích chân voi. Người ta có nói rằng dù voi có lớn thế nào thì cũng chỉ cần dùng sợi xích buộc nó khi nó còn nhỏ. Bởi vì cả đời nó tin rằng mình có giãy thế nào cũng không thể giật đứt được sợi dây đó. Sẽ ra sao nếu các em bé ở Việt Nam sinh ra ngày hôm nay và 30 năm sau vẫn tin rằng để làm được một cái gì đó lớn lao, cạnh tranh được trên toàn cầu thì điều kiện cần là phải học những trường hàng đầu thế giới?

Mình có một niềm tin khác. Ðó là chỉ cần ý chí và khao khát thì một thanh niên tự học toàn tập cũng có thể tạo ra được những sản phẩm cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm đẳng cấp thế giới được ra lò bởi các sinh viên Ivy League. Tự học được mọi thứ là một loại siêu năng lực mang lại lợi thế cạnh tranh lớn nhất. Thời đại internet đã làm cho tri thức trở nên dần miễn phí, và thời đại AI sẽ làm cho tri thức trở nên dễ tiếp thu hơn rất nhiều. Tri thức và các model AI không còn là đặc quyền chỉ có ở trong thế giới tinh hoa.

Ðối thủ của The Coach trong mảng tiếng Anh thường là những công ty gọi vốn được nhiều trăm tỉ và đội ngũ có profile xịn mịn. Founder Step Up thì không xuất thân từ làm công nghệ và học từ Ngoại Thương ra, trường nằm ngoài top 1000 đại học tốt nhất thế giới. Funding của The Coach cũng hoàn toàn là cây nhà lá vườn, dùng tiền tự thân. Và sau cả năm The Coach đứng chắc chân trên vị trí số 1 ở trong mảng này ở Việt Nam thì mình càng tin hơn vào những ý tưởng vừa nói ở trên. Câu chuyện này chưa dừng lại ở đây và chưa dừng lại ở biên giới Việt Nam.

Ngày xưa ở thời của bác Hồ và bác Giáp. Việt Nam cũng có những câu chuyện so găng sòng phẳng với các đất nước top 5. Không có lí gì thế hệ sau này không thể làm được những điều đó trên khía cạnh kinh tế.

Mình tin vào một giấc mơ mà ngay cả những em nhỏ nghèo vùng sâu vùng xa vẫn được tiếp cận với nền giáo dục đẳng cấp toàn cầu và làm được những sản phẩm thay đổi thế giới theo hướng tốt đẹp hơn. Một thế hệ trẻ hạnh phúc, tài năng và toàn năng. Các cháu cầm hộ chiếu Việt Nam đi ra ngoài sánh vai được các bạn bè năm châu.

Nếu bạn có chung một giấc mơ như vậy, kể cả bạn có đang kinh doanh hoặc muốn khởi nghiệp lĩnh vực này. Ðừng ngại giao lưu trao đổi với Step Up vì một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại mới nên hòn non bộ 😀

 

Step Up là về cái gì? 

Step up là một giấc mơ 11 năm. Một sự ám ảnh

2011 là năm mình ra trường. Giữa muôn vàn ngã rẽ đó, đằng nào cũng không có gì để mất cộng thêm với vài lời cổ vũ từ anh chị em chủ doanh nghiệp mình quen. Mình đã lên đường. Hành trình khởi nghiệp bắt đầu từ đây. Tiếng Anh là một công cụ đã giúp mình có được toàn bộ nền giáo dục trên khắp internet.

Cái tên nào đại diện cho sự tiến bộ nhỉ? À Step Up. Từng bước thế mà đi lên thôi.

Từ một lớp học nhỏ xíu 12 mét vuông đi thuê theo buổi trở thành một chuỗi 4 trung tâm với 60 giáo viên. Rồi lại chuyển sang mảng sách với khởi điểm 5 nhân viên và bùng cháy thành một tựa sách hàng đầu về sách từ vựng và học tiếng Anh nói chung. Có hàng trăm ngàn bạn đọc đã giỏi tiếng Anh vượt trội nhờ vào sách. Sách vẫn không phải là thứ trò chuyện lại được với người học để mang lại sự tự tin nên Step Up lại một lần nữa chuyển mình sang mảng EdTech với The Coach. Trong suốt hành trình đó, vẫn luôn là một giấc mơ muốn mang tiếng Anh tới cộng đồng với một trải nghiệm vui vẻ và chi phí thấp, không chỉ thế, phải thật nhanh. “Easy, Fun, Fast” vẫn luôn là khẩu hiệu người Step Up dùng trong hơn một thập kỉ qua. Tiếng Anh giao tiếp không nên là thứ chỉ dành cho con nhà giàu và có năng khiếu. Nó nên là thứ mà ai cũng có thể sở hữu và tiếp cận với chi phí thấp. Khi có công nghệ, cách học tiếng Anh đã khác đi rất nhiều so với 5 năm trước. Bằng các phương pháp học thông minh và hiệu quả, chúng mình mong rằng có thể giúp hàng triệu người Việt Nam tự tin nói tiếng Anh chỉ với một vài triệu đồng.

Backstory của Founder

Ngày ấy năm 18 tuổi khi mình đỗ vào ngôi trường mơ ước của mình. Mình mới nhận ra là thứ mình mơ ước lại là sự lựa chọn mang tính chất dự phòng của rất nhiều bạn giỏi khác. Với một số người thì không du học được trường ưng ý họ sẽ học Ngoại Thương. Còn mình thì còn không có du học là một sự lựa chọn. Từ đó mình nảy sinh tâm lý FOMO và cạnh tranh cực độ. Mình luôn muốn những gì mình học và làm được không thua kém gì những bạn học trường top thế giới.

Một cách khá ám ảnh, khi không được sang đó học thì mình lùng cho bằng được hết các chương trình học và tài liệu của những trường top trên thế giới để học, kể cả từ bachelor tới MBA. Cũng may là thế giới phẳng và giáo dục trên internet miễn phí, đủ để cho bất cứ ai trở thành bất cứ ai họ muốn. Bài toán Step Up muốn giải là góp phần tạo ra các công dân toàn cầu với đầy đủ kĩ năng để các bạn trẻ có thể chinh phục mọi núi cao và đi làm được khắp muôn nơi. Ðể rồi họ có thể mang những tri thức đó về tổ quốc đóng góp. Tiếng Anh là điểm bắt đầu.

Bối cảnh của Step Up trước khi làm app

Lái công ty xuất bản sang hẳn mảng công nghệ của Step Up là 20% sự dũng cảm, 80% sự dại khờ. Thú thực là ngày xưa khi bấm nút làm thì suy nghĩ mình khá đơn giản. Và khi đã theo lao rồi phải đâm tiếp thì mới nhận ra được sức nặng của vấn đề nó tới đâu và bài toán nó khó tới đâu. Tin rằng mình làm được nó vẫn là thứ hơi mù quáng. Chuyện làm ăn và đầu tư, thả gà ra đuổi thực sự là điều dại dột. Trừ phi các vì sao rất thẳng hàng, bạn vừa đỏ, vừa gồng rất siêu và kết quả nó thỏa đáng với rủi ro bỏ ra.

Thời gian không ủng hộ.

Các công ty công nghệ thường sẽ gồng lỗ 4-5 năm để tới được điểm dòng tiền dương. Hiếm có founder nào đủ tiền túi để cân được cả team như thế nên chuyện gọi vốn cho tech startup gần như là đương nhiên. Như ở công ty mình team công nghệ và sản phẩm bé xinh tinh gọn lắm cũng phải hơn 20 người. Nếu mình chọn đi gọi vốn thì phải cắt 50% quỹ thời gian của mình cho chuyện đi gặp gỡ và trình bày, không còn thời gian mà làm sản phẩm. Xin được tiền nói chung là khó. Thú thật mà nói là mấy anh chị làm giáo dục offline thì rất giàu, tiền trăm tiền ngàn tỉ cũng có, nhưng mấy bên làm EdTech nói chung là lỗ chổng vó khó thấy đường về bờ.

Mình chọn phương án dễ hơn là đánh cược trên tiền của mình và tính deadline tới điểm hòa vốn các thứ chỉ được phép tầm 2 năm đổ lại. Ðây chính là một nồi áp suất được bật lửa to nhất anh em ạ. Cơ bản là có những dự án không được làm trong 3 tháng với ngân sách 2 tỉ mà chỉ được làm 1 tháng với ngân sách 500 triệu. Nôm na mà nói, chậm là chết. Công sức làm lụng đầu tư tích cóp hơn chục năm tan thành mây khói. Ðiểm cộng khi có lãi rồi thì gọi vốn để tăng trưởng rất dễ và mình còn giữ phần lớn cổ phần của công ty. Thật sự quả này hơi bị xui dại bởi a Elon Musk và cách anh ấy làm SpaceX. Con đường được ăn cả ngã về không nó ngạt thở hơn rất nhiều so với chơi trên tiền của người khác.

Câu chuyện thực thi của Step Up

Quan điểm của BOD Step Up là marketing văn vở thì chẳng khó để tìm được người kể hay được câu chuyện. 50 năm sau thì công ty nào giỏi thực thi và giỏi engineering thì chẳng thua được bất cứ ai.

Thật ra là mình có hai người thầy lớn. Một ông thì bỏ việc thơm phức phó chủ tịch một quỹ đầu tư tranh thủ sang cưỡi cơn sóng internet. Không có bất cứ một công nghệ nào độc quyền, chỉ bằng khả năng thực thi đã xây dựng nên cả một đế chế Amazon che kín một mảnh trời. Ông thầy thứ hai là ông buôn đồng nát, chỉ với số tiền đủ mua được vài cái tên lửa ông thầy đã thay đổi được cách loài người đi ra ngoài vũ trụ bằng công nghệ còn xịn hơn của NASA. Một người thầy siêu việt về chuyện kĩ sư và hack các thứ cũng như làm được những thứ siêu to khổng lồ với số vốn nhỏ.

The China mentality Thế kỉ 21 có lẽ sẽ là thế kỉ của người Trung Quốc với những tiến bộ vượt bậc về kinh tế cũng như khoa học công nghệ. Nhưng tư duy bắt đầu của họ là làm được những thứ dễ trước với giá rẻ còn phát minh cái mới thì tính sau. Khi dấn thân vào làm công nghệ, mình cũng biết là cuộc chơi này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực làm các mảnh phần mềm khác nhau. Cái thì AI, cái thì hạ tầng, cái thì ERP… Có quá nhiều thứ phải làm và budget cây nhà lá vườn thì không bao giờ đủ để mua mọi thứ với giá bìa. Vì thế nên để công ty sống còn thì hầu hết các hạng mục phần mềm anh em làm đều phải tốn ít nhất có thể. Mình cảm thấy khá tự hào khi tư duy đó ngấm sâu vào lòng đất, đơn cử như cái sàn công ty hỏng mình hỏi báo giá 19 triệu thì anh em đã té sang hàng xóm thuê đội khác làm với giá 12 triệu. :D. Tôi đang ở trong những vòng tay ấm áp. Từ đầu mình bước chân vào con đường này, mình đã chấp nhận một kịch bản là không ai cho tiền mình đánh canh bạc này cả. Thực tế là gần như thế, nhà đầu tư quan tâm thì rất nhiều mà xuống tiền chẳng được bao nhiêu. Nếu all in thời gian đi gọi vốn thì gần như sẽ không còn thời gian để làm việc nữa. Là người xuất thân từ kinh doanh truyền thống. Suy nghĩ của mình khá đơn giản về mặt lợi thế cạnh tranh. Vũ khí mạnh nhất là giá nếu cùng tính năng. Một công ty chỉ mất vài triệu đô để làm ra một thứ thì đặt giá có thể chỉ bằng 50% một đối thủ làm ra mất 10-20 triệu đô trong dài hạn. Kỉ nguyên mùa đông gọi vốn này chính là thời điểm của các “con gián”. Con gián là khái niệm của các công ty nhỏ xinh kiểu unkillable dí mãi không chết.

Chuyện hack timeline Trong một buổi họp chiến lược của công ty, các thành phần trong coreteam cần ghi được ra lợi thế cạnh tranh của công ty. Và có những người ghi trong những tờ giấy đó là “anh Hiệp”. Do dòng đời xô đẩy với nguồn lực hữu hạn. Mình đã phải trở thành một người phải giải quyết được rất nhiều vấn đề ở nhiều lĩnh vực khác nhau thì công ty mới sống sót và phát triển được như ngày hôm nay. Trước những dự án lớn tính bằng tháng. Mình bổ ra trên gantt chart và xếp lên bàn như chơi đồ hàng. ABCD ưu tiên của các hạng mục. Cái gì nút thắt của cả dự án mà hack được thì tìm giải pháp hack. Cái nào xếp làm song song được mà không phụ thuộc thì cho làm song song.

Cùng một tính năng mà mình ship trong một tháng còn đối thủ làm trong 7 tháng. Thì có lẽ phải 2 năm sau họ mới làm được những thứ mình có trong tháng thứ 7. Thế thì 5 năm sau mọi thứ sẽ trông như thế nào? Tốc độ nó cũng đến từ câu chuyện làm generalist. Tức là bản thân BOD và các quản lý của Step Up cần phải nắm trong mình 2-3 bộ knowhow từ RND-Tech-Marketing-Sales thì việc chốt tính năng để lên đều rất nhanh. Không mất nhiều thời gian phiên dịch và hiểu nhau. Nếu tìm kiếm The Coach trên Facebook, thì các bạn sẽ thấy cái đứa viết nhiều bài nhất về app lại là tech lead của mình chứ không phải là marketing. Ða di năng nó là văn hóa để toàn thể anh em nắm bài toán và giải tốt hơn hẳn các cục riêng lẻ.

Một sản phẩm được làm bởi một người từng tự học tiếng Anh, một người làm content hài hước, người từng làm giáo viên, người bán hàng… nó sẽ khác so với một sản phẩm được làm từ người chỉ biết làm công nghệ. Khả năng đặt câu hỏi sắc bén và không thích đi lối mòn. Step Up không đặt câu hỏi là làm sao để tăng trưởng doanh thu bằng mọi giá để gọi vốn rồi chơi tiếp. Câu hỏi của Step Up sẽ là làm sao để có lãi thật nhiều đi cùng với tăng trưởng về tính năng và doanh thu một cách thần tốc.

 

Văn hoá làm việc Step Up

Tham vọng trong công việc

Mỗi người chúng ta đều có nhiều thứ hơn công việc, đó là gia đình và các mối quan hệ. Nhưng phải giàu, phải giỏi thì mới nuôi được gia đình đúng không? Từ những bạn sinh viên lơ ngơ như nhau, 5 năm sau khi ra trường sẽ có những người tăng được 20% lương và có người tăng được 20 lần lương khởi điểm. Khác biệt ở chỗ là nỗ lực học tập để hack não làm việc và cố gắng mỗi ngày. Khi đi làm, hãy tìm người giỏi nhất trong và ngoài công ty về thứ mình học rồi cố mà theo họ. Hãy quyết tâm và chủ động.

Chủ động học hỏi và không ngừng học tập

Nhân viên được phép không biết về công việc, thiếu kĩ năng và kiến thức phần nào đó. Nhưng phải sửa bằng cách tìm tòi để biết cho bằng được. Không chỉ sửa lỗ hổng kiến thức, mà hãy chủ động học thêm về nghề, hãy làm các sếp bất ngờ trên cả kì vọng vì những thứ mình biết và làm được. Step Up đánh giá cao những con người cầu thị và tham vọng trong công việc.

Chuyện là có một ông thầy giáo dạy tiếng Anh, bỗng một ngày hứng lên start up một cái hoàn toàn không liên quan tới chuyên môn đó là công nghệ. Hai chục năm sau công ty ấy trở thành một thế lực nhất nhì trong ngành thương mại điện tử của thế giới. Công ty đó có tên là Alibaba và 40 tên cướp. Ông thầy giáo kia là Jack Ma. Đấy, xuất phát điểm không quá quan trọng, quan trọng là muốn giỏi, dám làm và có kỉ luật để theo đuổi.

Đặt tiêu chuẩn cao

Đừng bao giờ hài lòng với sản phẩm hoặc kết quả hiện tại. Hãy benchmark cho mỗi công việc và sản phẩm mình làm. Hãy đọc và học thật nhiều để nâng cao taste của bản thân. Hãy đặt câu hỏi là đã đạt tới đẳng cấp thế giới chưa? Liệu mình có thể làm tốt gấp 3-5 lần hiện tại không và làm sao để đạt được con số đó. Hãy đặt cho mình những mục tiêu đầy thử thách. Khi dấn thân vào thử thách mới hack được giới hạn bản thân, mới có chuyện hay để kể, mới thấy cuộc sống nhiều cái mới và ý nghĩa.

Tìm mọi cách để xong được việc

Nếu việc nằm ngoài khả năng và hiểu biết của bản thân thì hãy research trước, ngoài kia có rất nhiều người đã từng giải các bài tương tự. Cũng đừng ngại hỏi quản lý hoặc bên trên của quản lý, tìm mọi cách cho ra bằng được giải pháp thì thôi. Hãy thẳng thắn trình bày khó khăn và vấn đề.

Được phép mắc lỗi và sửa sai toàn hệ thống

Sai thì sửa, chửa thì đẻ, không vấn đề gì. Nhân viên được phép mắc lỗi lần đầu, hãy sửa vào quy trình và thông báo về lỗi này tới toàn hệ thống để đảm bảo không ai mắc phải lần sau.

Dân chủ và số hoá

Để công ty lớn lên thì cần nhiều người giỏi. Mà đã là người giỏi thì thường không dễ nghe lời và lắm phản biện. Chuyện sếp và nhân viên tranh luận về một chủ đề là hoàn toàn bình thường. Nhân viên có quyền bảo vệ ý kiến của mình mà không phải cứ răm rắp làm theo áp đặt của sếp. Sếp có thể sai, nhưng tổ chức phải đúng. Hãy lấy con số ra để đo hiệu quả, cái gì hơn thì làm. Nếu làm hiệu quả hơn quản lý thì cứ thế mà làm không cần nghe hướng dẫn của quản lý cũng được. Nhưng nếu không thì phải theo chỉ thị mà làm, mở hết mọi giác quan ra mà học.

Nỗ lực chung vì công ty

Công ty trẻ và tăng trưởng nóng nên nhiều thứ còn chưa hoàn thiện. BOD không tránh khỏi ra chính sách và quyết định chưa hợp lòng dân. Mong các nhân viên hãy thông cảm, cho công ty feedback, đưa ra được giải pháp thì càng tốt :D.

Hãy dấn thân vào các công việc chung của tổ chức. Công ty sẽ nhanh tốt lên khi có sự chủ động và nỗ lực từ nhiều phía, nhiều người. Hãy suy nghĩ và làm việc như mình là người chủ công ty.

Làm việc thông minh

Quan điểm chung của công ty là hướng tới work smart, thời gian làm việc chỉ cần 8 giờ mỗi ngày nhưng thật năng suất để kết quả tạo ra gấp rưỡi, gấp đôi. Đối với công việc hàng ngày hoặc công việc được sếp giao, luôn luôn tìm giải pháp sao cho bớt thao tác tay chân, giảm thời gian xử lý mà vẫn đảm bảo kết quả, hoặc hiệu quả cao hơn càng tốt. Đừng chỉ làm việc chăm chỉ, hãy làm việc thông minh.

Làm việc chăm chỉ

Ở một startup, công việc nhiều khi bận rộn cũng không thể tránh khỏi, nếu cần tăng ca hay làm thêm giờ trong một giai đoạn nhất định thì cũng hãy thông cảm cho nhau nhé. Nếu tình trạng đó diễn ra thường xuyên công ty sẽ tuyển thêm người.

Trung thực

Không được nói dối, không được trốn tránh, làm sai phải nhận không được đổ lỗi cho người khác, không được tổ lái để lảng tránh vấn đề. Step Up không chấp nhận những nhân viên làm sai khác giá trị này.

Lương thưởng xứng đáng

Tạo lên một hệ thống làm việc xuất sắc với mức thu nhập cao là định hướng của công ty. Đó là quan điểm nhân sự của Step Up. Nếu nhân viên được trả lương thấp hơn giá trị thị trường thì sớm muộn gì họ cũng muốn chuyển. Công ty muốn giữ người tài và sẵn sàng trả lương thưởng tương xứng. Nhưng trước hết, hãy chứng minh giá trị của bản thân đối với Step Up.

Mỗi cá nhân nên khác nhau

Hãy bình thản khi thấy sự khác biệt của người khác về lối sống hoặc ngoại hình. Mỗi người đều khác nhau và NÊN khác nhau. Hãy nhìn vào bản chất của họ để đối xử, đừng vì họ khác mình.

Môi trường làm việc của Step Up nói chung là lành. Công ty giáo dục phải gia giáo và lành mạnh. Không bè phái, không kì thị, không toxic, không ăn gian nói dối. Một tập thể mối quan tâm lớn nhất là sản phẩm và kết quả công việc.

Nếu bạn có có cùng giấc mơ giáo dục với chúng mình, thích giải các bài toán khó và thấy cách làm việc phù hợp thì hãy apply vào team Step Up ngay nhé!